thơ trào phúng

.

HOẠ HUỶ DIỆT
thơ trào phúng

Joseph Capicotto http:/www.tuttartpitturasculturapoesiamusica.com;

tranh của Joseph Capicotto

.

THỦY TRIỀU ĐỎ

Thủy triều đỏ cuộn vào Tháng Tư hai ngàn mười sáu.
Dòng chất độc bành trướng từ Vũng Áng xuống Lăng Cô.
Hàng vạn ngư dân nhìn xác cá trên bao hải lý biển chết
Đất nước ô nhiễm, sinh vật tiêu dần, nát cơ đồ.

Nancy, 4.2016
ĐOÀN THUẬN
doan-thuan-3

.

.

HỌA HỦY DIỆT

1.
Âm mưu “cờ vây” Nghiêu Vương thời đại Mao
vây dân vào cõi chết, máu nhuộm cờ năm sao
Mãn Hồi Tạng Mông chầu quanh sao Đại Hán,
Hàng trăm triệu người tộc nhỏ dần mòn tiêu hao.

Giấc mơ Lưỡi Bò liếm trọn vùng Biển Đông,
Con Đường Tơ Lụa qua buôn làng núi sông
Năm trăm triệu người Hán tràn Đông Nam Á
để chủ nghĩa Mao chế ngự thêm cộng đồng.

2.
Làn sóng đỏ, sóng bành trướng Bắc phương,
bao phủ bủa vây khắp cõi bờ Đông Dương,
xô dạt Việt Miên Lào về chân trời hủy diệt,
bằng bao vây kinh tế, bằng đầu độc môi trường.

Tộc Việt Nam trong tầm tiêu diệt phiêu diêu,
chín mươi triệu người rồi đây còn bao nhiêu,
khi quan lớn trung ương tự thân làm thái thú,
Đất tổ Hùng Vương nhường dâng cho Hán triều.

Đất biên giới, nước biển xanh, sông đầu nguồn,
quặng mỏ, đồn điền, đồng quê, hải cảng, phố phường,
khu trọng điểm quê hương thành vùng miền nhượng địa,
Trung Quốc đương nhiên thống lĩnh mọi thị trường.

Đập thủy điện Cảnh Hồng trên thượng nguồn Mê Kông,
ngăn nước về châu thổ sông Cửu Long,
phù sa cạn, bùn lún sâu, đồng ngập mặn,
lúa gạo cá tôm, lương thực chính, còn không ?

Nhà máy nhiệt điện sắt thép xi măng,
bụi mù khí độc tỏa khắp không gian,
sông Bưởi, La Ngà, Thị Nại đục ngầu chất thải,
Biển Việt Nam chết lặng. Dân bàng hoàng.

Chất độc thấm đất, nhòa vào đại dương,
phá sinh thái tự nhiên, tiêu tán những ngư trường,
ô nhiễm hồ thủy sản muối ăn nước uống.
ngư dân Miền Trung điêu đứng đau buồn.

Vùng đồng bằng Cửu Long, Trung Bộ, Tây Nguyên,
hàng chục triệu ngưới túng quẫn thiếu ăn,
bỏ biển rời làng lang bạt kiếm sống,
vất vưởng bên trời ốm đói nhọc nhằn.

Quan tham ô theo đuôi thương lái Tàu
nhập chất độc qua thực phẩm hoa màu,
dân, sức hao mòn, chết dần vì bệnh tật.
họa vong thân diệt chủng thế hệ sau.

3.
Dân Nam nước Nam mai này sẽ về đâu ?
Chủ quyền quốc gia, độc lập hay cúi đầu ?
Dân chủ tự do, trường tồn hay tiêu diệt ?
Thanh bình, ấm no hạnh phúc hay khổ đau ?

Nancy, 5.2016

.

BIỂN
THOI THÓP

1.
”Một vành đai, một con đường” chiến lược.
trong âm mưu bành trướng của Bắc phương
vây đất Việt làm đặc khu nhượng địa
đặt tiền đồn chế ngự Thái Bình Dương.

Một vành đai  hải đảo trong vụng biển,
từ Hoàng Sa vòng cung quaTrừơng Sa,
Tàu thiết lập một con đường  Chín đoạn
từ Hải Nam xuống “cửa ngõ Malacca”.

2.
Bãi đá cạn, nổi chìm, bồi nên đảo nhân tạo
huyện Nam Sa, căn cứ địa Phú Lâm
những phi đạo Vành Khăn Su Bi Chữ Thập
đặt lưu thông hàng hải trước hỏa tiễn xa tầm.

Làn sóng “lạ” vỗ tràn thềm lục địa
dập vĩa than, phá đá khí, quậy giếng dầu,
cắt ngư trường, khuấy động vùng sinh thái,
xô dạt bờ, sạt lỡ cảng nước sâu.

Thủy triều đỏ ngấm ngầm mang độc tố
nhuộm đại dương, thấm nhiễm nước đất đai
tôm cá chết, người đau, biển thoi thóp,
bao dân đen nghèo khổ đời bi ai.

3.
Biển nước Nam, tuyến đường Đông, cong hình chữ S
từ Hạ Long Cam Ranh Cà Mau qua Malacca,
từng nuôi dưỡng sức dân, bảo vệ yên bờ cõi.
Nay, “nội xâm” cùng ngoại xâm phá nát sơn hà.

Nancy, 5.2016

.

RỪNG
SUY TÀN

1
Rừng mang danh ”lá phổi xanh” của Trái Đất,
Hệ sinh thái tuần hoàn đa dạng thiên nhiên.
Thảm thực vật cỏ hoa côn trùng muông thú.
Kho nước sạch, đất phì nhiêu, nguồn tài nguyên.

Rừng Việt Nam tựa ”mái lá” dài Móng Cái Cà Mau
Chắn gió che mưa, giữ nước dưỡng đất màu,
Ngăn thiên tai hủy hoại núi non sông hồ thực vật
Môi trường sống muôn loài, mầm mộng xanh bền lâu.
2.
Rừng tự nhiên hẹp dần thời thuộc Pháp
Do khẩn hoang lập đồn điền cà phê cao su.
Rừng đất thấp mở ấp thôn ruộng vườn nương rẫy,
xây thành trì  phố thị, khu tỉnh lị dân cư.

Rừng hoang mạc tiêu sơ trong chiến tranh khốc liệt.
Cao nguyên Trường Sơn hạ lưu châu thổ điêu tàn.
Bom tấn na-pal chất độc màu da cam hủy diệt.
Máu xương của thú và người, mồ đất đá hỗn mang.

Rừng thứ sinh chưa kịp đâm chồi đất hội nhập.
Quan tham ô lâm tặc đối tác con buôn
khai thác tài nguyên lâm sản, thú quí hiếm,
đào mỏ quặng, đắp đập nước, mở công trường.

Rừng phòng hộ  chặn cát bay sói mòn sạt lở.
Nay còn đâu vùng cổ thụ gỗ quí đầu nguồn
Còn đâu đồi dương liễu chập chùng xanh ven biển.
Thủy triều dâng, gió bạt, lũ ngập, đời u buồn.
3
Rừng nguyên sinh quốc gia trên đà suy thoái
Cúc Phương, Trà Sư, Yok Đôn, Cát Tiên, U Minh,
Nhóm lợi ích độc quyền khai phá rừng đất nước.
”Mái lá” quê hương dần mòn mai một phiêu linh.

Nancy, 6.2016
.

MẶN NGỌT
DÒNG CỬU LONG.

1.
Một “cuộc chiến môi sinh” không tuyên bố.
Khắp một vùng hạ lưu ven Mekong
Nhầm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái.
Gây thảm họa cho dân miền Cửu Long.

2.
Trên đôi bờ Lan Thượng, Tàu lảm chủ.
Đắp đập đê, xây hồ, nơi thượng nguồn.
Đập Cảnh Hồng, Tiểu Loan, Ngọa Trác Độ.
Phá thác ghềnh thông sông xuống Vạn Tường.

Đập thủy điện, đê bậc thềm, hồ chứa nước.
Ngăn Mekong không cho sông về xuôi.
Nước cạn kiệt khắp mọi miền đất thấp.
Dòng phù sa đọng lại, không còn trôi.

Đất nắng cháy, khu rừng mưa tự sát.
Đâu điều hoà được lựơng nước dòng sông.
Đâu đổ nước mùa khô, giữ nước lại mùa lũ
Cho trời hành, hạn hán, lụt bão giông.

Những nhà máy xả ngầm chất phế thải.
Nước hoà tan độc tố vào ruộng đồng.
Khai thác cát làm biến dạng dòng chảy
Gây xói mòn sạt lở bến đục trong.

Sông như không vùng hạ lưu châu thổ
Đất cằn khô, nứt nẻ, thiếu phù sa.
Nước biển mặn tràn sâu vào nội địa.
Ruộng bỏ hoang, vườn cây trái ít hoa.

3.
Như chiếc nôi “nền văn minh lúa nước”
Vùng đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu.
Kho thóc vàng, một thời Đông Nam Á
Nay, đôi dòng mặn ngọt đã đổi chiều.

Cần Thơ, 4.2016
.

Gino Romiti Tutt'Art@ (14).

.
.

.

.

tranh của Gino Romitti
.

NƯỚC NAM
có còn
”VUA NAM Ở”?

1.
Chiến tranh đi qua đã nhiều năm.
Quê hương chưa qua nỗi thăng trầm.
Bao người nằm xuống khắp sông núi.
Bao người lưu vong nơi xa xăm.

Bến Hải không còn chia đôi miền.
Độc lập tự do, điều thiêng liêng.
Thống nhất được sao sự ly tán !
”Con đỏ dân đen” luôn ưu phiền.

2.
Kháng chiến, nội chiến, rồi cách tân.
”Lý tưởng vì nước” nhạt phai dần.
”Lao động” trở thành người “cộng sản”
Độc tài toàn trị áp chế dân.

Chế độ kiên trì Mác Lê nin.
Rập khuôn Xô viết Mao Staline.
Hiến pháp đặt sau cương lĩnh đảng.
Tứ trụ lộng quyền một triều đình.

Suốt mấy ngàn năm chống giặc Tàu.
Đổ bao xương máu, bao thương đau.
Thực dân đế quốc vừa về nước.
Đảng nay lệ thuộc bành trướng Mao.

3
Sau bao cuộc chiến, nước chưa yên.
Lũ Khờ me đỏ dọa Tây Nguyên.
Quân dân yêu nước lại đổ máu.
Người tan nát xác, người tật nguyền.

Chiến trường biên giới giữa Việt Trung
Người chết vùi thây nơi núi rừng
Mất ải Nam Quan, nửa Bản Giốc.
Giết dân cướp đất, cảnh lao lung.

Cung biển biên cương của nước nhà.
Quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma.
Bành trướng đánh chiếm đặt căn cứ.
Khống chế đường ra biển bao la.

4.
Lãnh thổ Việt Nam đâu còn nguyên.
Đại Hán hiện diện khắp mọi miền.
Biên giới, biển, trời, đất, sông, núi…
Mật ước Thành Đô đã nhượng quyền.

Nancy, 4.2016
.

CÒN ĐÂU
HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG

1.
Sài Gòn còn đâu Hòn ngọc Viễn Đông sau bảy lăm,
chợ Bến Thành vẫn như “toa tàu trăm năm”
đỗ lại bao người buồn vui nơi thành xưa phố cũ,
tiễn đưa bao người tha phương phiêu bạt về xa xăm

Đoàn quân thắng cuộc ồ ạt vào Sài Gòn
tiếp thu “hòn ngọc xanh”,“đô thị vàng son”
đánh tư sản, cầm tù cải tạo dân thời “ngụy”
trí thức văn nhân đành câm lặng mỏi mòn.

Sài Gòn xưa sang tên thành phố Hồ Chí Minh
một mô hình Xô-viết Mao-Staline
gia sản phương Nam, khối nợ lần chi viện,
trong âm mưu thôn tính dài lâu của Bắc Kinh.

Sài Gòn lừng danh sầm uất khắp Viễn Đông
nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Cửu Long
sau chiến tranh, tang thương thời bao cấp
khiến dân đen lao động sống long đong.

Văn hóa Sài Thành luôn thân thiện nhân hoà
quí trọng tình người, tự do sáng tạo tài hoa,
nay thấy đâu quyền dân sự, dù hô hào đổi mới
lừa mị, tham ô, vô cảm, lú lẫn giữa chánh tà.

3.
Hòn ngọc Viễn Đông đã nát tan mờ dần
còn chăng những phố sang công nghệ cao tầng
với đông đảo tập đòan cán bộ tư bản đỏ
tóm thu lợi nhuận, độc quyền thu thuế dân.

Nancy, 2004.

.

ĐẤT MẸ MIỀN TRUNG

1.
Miền Trung đất Mẹ trời hành mãi,

Sóng vỗ sập nhà, lũ quét dân.
Xóm mạc hoang tàn khi bão tố,
Làng chài sạt lở lúc triều dâng.
Đồi cây động cát thành doi biển,
Ải núi truông đèo hóa đất cằn.
Nước biếc non xanh bức họa cổ,
Nay còn một dải mỏng manh dần.
.
2.

Một dải Miền Trung dọc đại dương,
Bờ hôi, bãi thối, biển tang thương.
Rong nhầu, cá chết, san hô nát,
Lưới cất, thuyền phơi, ngư phủ buồn.
Giặc “lạ” xâm lăng bằng độc tố.
Quan hèn nhượng địa theo thương trường.
Dân lo đối mặt đời ô nhiễm
Đất nước tan hoang lắm đoạn trường.

Long Hải, 5.2016
.

jerry smith 6.

.

.

.

.
.

tranh của Jerry Smith

.

ĐẤT VIỆT
SẼ RA SAO?

1.
Đất nước ta rồi đây sẽ ra sao ?
Trời bể núi sông u uất một màu.
Khi Mê Kông tắt nguồn về châu thổ,
Biển Miền Trung chất độc “lạ” thấm sâu.

Khi Bắc Phương âm mưu diệt dân ta.
Khống chế đảng, tiếm chủ quyền quốc gia.
Phá tài nguyên, triệt dần nguồn kinh tế.
Hại sức dân, đầu độc trẻ lẫn già.

2.
Đất Việt Nam giờ như “đất cho thuê”.
Tàu đã thuê rừng núi biển sông hồ.
thuê dài hạn độc quyền như “nhượng địa”,
cảng nước sâu, quặng mỏ, nhiều đặc khu.

Đường biên giới Việt Trung chốn quan san.
Việt nhượng Tàu thác Bản Giốc, Ải Nam Quan.
người yêu nước hy sinh trận 79
bị vùi quên xương máu giữa hoang tàn.

Đường chín đoạn bao Trừơng Sa Hoàng Sa.
Đường băng dài xây trên đảo Gạc Ma.
trên hài cốt của bao chiến sỹ Việt.
trên nỗi đau mất biển đảo quê nhà.
.
Đập thủy điện chập chồng nơi thượng nguồn
ngăn dòng nước không xuôi về đại dương.
làm nhiễm mặn vùng hạ lưu châu thổ.
gây hạn khô bao đồng lúa khu vườn.

Quặng bau-xit trên nóc nhà Tây Nguyên
xả bùn đỏ hủy hoại rừng tự nhiên
dân bản địa khổ nghèo đành phiêu bạt.
làng người Hoa ung dung hưởng đặc quyền.

Vùng Sơn Dương Vũng Áng, cảng nước sâu
trắng xác cá, đen tảo, đỏ thủy triều,
từ Hà Tĩnh về Thừa Thiên, biển chết,
khắp một miền ô nhiễm độc tố cao.
3.
Nước cạn nguồn, hoang hóa khắp non sông.
Biển thấm độc, điêu linh mọi ngư trường.
Khi nhượng địa, chủ quyền như đã mất,
Bao dân đen khốn khó giữa quê hương.

Sài Gòn, 4.2016.

DÂN VIỆT
SẼ RA SAO ?

1.
”Con đỏ dân đen” sẽ ra sao ?
khi đất nước ta lệ thuộc Tàu,
đảng lo bảo vệ quyền toàn trị,
hữu nghị Việt Trung đặt trên cao ?

2.
Người Việt giờ như “người làm thuê”:
Cán bộ Nhà nước các ngành nghề
làm công cho đảng theo nghị quyết
định hướng xã hội lối Mác Lê.

Nhà báo nhà đài cùng phóng viên
đứng dọc lề phải bám chính quyền
viết thuê theo lệnh một “biên tập”
ngụy tạo mị dân để tuyên truyền.

Nhà giáo dạy chữ rập một khuôn
năm bước lên lớp khắp mọi trường
giáo khoa giáo án như pháp lệnh
lịch sử cha ông bị xem thường

Học viên tốt nghiệp đã ra trường
kỹ sư thạc sỹ nghiệp công thương
ân cần nô dịch theo lệnh chủ
luồn lách bán buôn theo thị trường

Lao động chợ đen cho thuê bao
phu thợ chế xuất công nghệ cao,
chạy mánh áp phe ăn hối lộ
quan tham luồn cúi thương lái Tàu.

Cày thuê cuốc mướn, bao nông dân
chạy vạy vay vốn mua giống phân
nắng mưa làm mọi địa chủ đỏ
tay trắng, phận nghèo gánh nợ nần.

Bao người khốn khổ không ngày mai
không nhà không vốn không đất đai
bỏ quê, tìm cách vượt biên giới
xin ăn xin việc sống qua ngày.

Xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
đem thân thế chấp làm tay sai,
bán dâm buôn lậu trộm cắp vặt,
làm thuê tạp vụ lãnh tiền ngày.
.  .  .  .
3.
Thế hệ tương lai của quốc gia:
lớp lo trả nợ một thời qua,
lớp mang bệnh tật do nhiễm độc,
từ nền chính trị hướng ngụy tà.

Nancy, 4. 2016

.

THƠ THẦN

1.
Obama đọc “thơ thần” phá Tống
Nhắc bạn Việt Nam nhớ một thời.
”Sông núi nước Nam vua Nam ở”,
”Rành rành định phận tại sách trời”.

Sách trời nay thế bằng cương lĩnh
Khi đảng độc tài thoán ngôi trời.
Nước Nam đâu chỉ vua Nam ở.
Bành trướng Bắc phương ngụ khắp nơi.

2.
Tuyên ngôn độc lập thời Đại Việt
Thần dân tâm nguyện luôn khắc ghi:
Đánh giặc ngoại xâm lũ bán nước,
Giữ vững non sông đúng Đạo Nghì.

.

NỖI NIỀM

Chiều đó ta về thăm quê ngoại
Đường làng quanh quất những bâng khuâng
Đồng không mái lá mùa bấc lạnh
Gọi bóng ngày xa những chập chùng.

Nhớ mãi người đi trong khói lửa
Ta lặng bên bờ suối vắng êm
Từ đó hồn ta sầu chia cắt
Âm thầm bóng lẻ suốt bao đêm

Ta đứng một mình trên lối hoang
Thương miền quê Mẹ ngập điêu tàn
Nóc chuông ngó xuống miền thánh địa
Và trọn hồn ta một nỗi buồn.

Giữa những hàng rào dây kẽm gai
Ta như khách lạ của bao đời
Vườn không đồng trống người xa khuất
Sông vắng đò ngang một dòng trôi.

Trên bãi Gò Công một đêm đen
Nửa hồn nhung nhớ nửa ưu phiền
Nơi đây xa cách chân trời cũ.
Ta viết bài thơ ghi nỗi niềm
.

fred hines.Burnham-Beeches-Autumn.

.

.

.

.
.
.
.

tranh của Fred Hines Burham
.

ĐỘC TỐ “LẠ”

Độc tố “lạ” dưới cảng sâu Sơn Dương
lắng xuống cát nhuyễn, hòa vào đại dương
tràn mặt đá, lan ra vùng sinh thái
lẩn khuất nhiễm sâu dài lâu muôn phương

Thủy triều “lạ” xô dạt bờ bãi quen
san hô rã, cá chết trắng, tảo nở đen
bao ngư dân úp thuyền nhìn biển chết
nuốt nước mắt thương quê, ôm muộn phiền.

Nancy,5.2016
.

BÙN ĐỎ
Ở THUẬN QUÍ

1
Hồ chứa nước thải chất ti-tan,
thuộc Tân Quang Cường đã vỡ toang,
bùn nước tuôn ra cơn lũ đỏ
nơi vùng Thuận Quý, Hàm Thuận Nam

2.
Dòng bùn ồ ạt băng qua đường,
ùa ngập lênh láng một rừng dương
phủ quanh khách sạn khu du lịch,
mùi hôi hắc ám cả môi trường.

Làn nước đỏ ngầu ngâm vườn cây,
nhà cửa dân cư bùn tràn đầy,
thú nuôi hoa màu đang ngoắc ngoải,
người không nước sạch đi đó đây.

Bùn đỏ xé ra đường rãnh dài,
từ đồi cát trắng xuống bãi ngoài,
nhòa vào sóng biếc ven bờ biển,
vòng qua Mũi Điện về xa khơi.

3.
Bao cơn lũ đỏ qua cuộc đời.
Thủy triều Vũng Áng, cá chết trôi.
Bau-xít Tây Nguyên, ngày nào vỡ.
Dân nghèo đất thấp đang chầu trời.

Đồi Sứ, 6.2016
.

CHẤT THẢI
RA SÔNG HẬU

1.
Sông Hậu, dòng trôi cuối Mekong.
Nguồn nước nuôi dân miền Cửu Long.
Từ thuở “mang gươm đi cứu nước”.
Cây trái, cá tôm, kho lúa Viễn Đông.

2.
Sông Hậu giờ đây ngầu đục dung dịch đen.
Từ nhà máy giấy Lee & Man
Lúa mạ úa tàn, cá tôm ngoắc ngoải.
Người thiếu nước sạch, ruộng vườn bỏ hoang.

Lee & Man hủy họai môi sinh.
Lương thực nhiễm độc, đất ngập lầy sình
Rừng đước tan hoang làm nguyên liệu giấy.
Đe doạ cuộc đời hàng triệu sinh linh.

Hậu Giang, 2016
.

CÁ  DI TRÚ

Trong dòng nước lạnh Benguela
dọc biển tây Nam Phi đến Namibia
dưới nắng hè phương nam ấm áp
đàn cá con như tấm thảm xanh lơ
quần tụ chập chờn theo điệu vũ mơ hồ

Mùa đông về, thảm cá trôi như sông
di cư qua miến Kwazaki Natal Cap East
cung biển ôn hoà cho phiêu sinh bềnh bồng.

Theo dòng cá di trú,
từng bầy cá heo, cá mập, rộng mồm chài bữa tiệc béo bở,
cùng loài chim điên quần thảo trên trời.

Khắp nơi vùng Durban,
con người không quên chuyện kiếm ăn,
cùng lũ sư tử biển, hải báo, chim cánh cụt,
nào lưới dã cào, nào thuyền câu khơi, đủ loại bủa giăng.

Cá theo dòng di trú
Người theo thời thăng trầm.

Ngảnh TT,1973 .
.

danil f.gerhartz 0.

.

.

.

.

.

.

.
.
.
.
tranh của Daniel Gerhartz.

.

VIỆT NAM
SẼ RA SAO ?
[Kính tặng Gs Trần Đình Sử]

Giặc Bắc phương vây hãm dân nước Nam.
Vây theo đường “cắt lát” và “ăn mòn”.
Từng giai đoạn, từng phần đến toàn cục.
Lấn núi sông, xiết kinh tế, đồng hoá dân.

1.
Vây đường biển, Tàu đánh chiếm Hoàng Sa.
Giết hàng trăm lính Việt Nam Cộng Hoà.
Đặt cứ điểm lấn dần các quần đảo.
Chuyển dân qua thành lập huyện Nam Sa.

Tiếp cận bờ, lấy bãi cạn Gạc Ma.
Xây đường băng, đặt hoả tiễn tầm xa.
Hạ dàn khoan thăm dò thềm lục địa.
Đoạt chủ quyền vùng Biển Đông bao la.

Thuê dài hạn Vũng Áng cảng nước sâu.
Từ Cửa Việt thiết lập ngầm bến tàu.
Nối hải hành giữa Hải Nam Hà Tĩnh.
Hướng Đèo Ngang chia đất Việt về sau.

2.
Vây đường bộ, lấn biên thùy Việt Trung.
Nửa triệu quân cướp trọn ải Nam Quan.
Nửa Bản Giốc cùng một vùng đất rộng.
Từ Quảng Ninh qua Bắc Cạn Lạng Sơn.

Dọc biên cương ba nước Việt Lào Miên.
Tàu đã thuê rừng núi khắp mọi miền.
Nhầm khống chế tuyến quốc phòng nội địa.
Đường chuyển quân trên nốc nhà cao nguyên.

Một tam giác chiến lược cuối Miền Nam.
Ba nhà máy, ba bót đồn liên hoàn.
Lee & Man, Duyên Hải cùng Sông Hậu.
Kiểm soát đường Tây Nam ra Biển Đông.

3.
Vây kinh tế, nắm huyết mạch hầu bao.
Buộc Việt Nam chạy theo thương lái Tàu.
Hối lộ mạnh, Tàu thắng dự án lớn.
Quan tham ô, ngân sách Việt giảm mau.

Tàu trọn quyền trên hợp đồng giao thương.
Cảng nước sâu, quặng mỏ, rừng đầu nguồn.
Nhà máy điện, xi măng, luyện sắt thép.
Hảng dệt may, chế xuất, làm cầu đường.

Tàu mưu mô triệt tiêu nhiều nguồn thu.
Chắn dòng sông, nước không về hạ lưu.
Đất nứt nẻ, thiếu phù sa, nhiễm mặn.
Ruộng vườn hoang, nông nghiệp ít đầu tư.

Chất độc lạ thải ra từ Sơn Dương.
Nước ô nhiễm hư hao bao ngư trường.
Dọc Miền Trung, nghề biển đang thoi thóp.
Người lánh xa nghành du lịch đại dương.

4.
Vây dân Việt, trong vòng bành trướng Mao.
Nhầm tăng cường hiện diện người thân Tàu
Đại Hán hoá xoá dần tộc Lạc Việt.
Cờ năm sao rồi đây thêm một sao.

Đảng toàn trị theo “hữu nghị viễn vông”
Quyết thi hành “núi liền núi sông liền sông”
Biến Việt Nam thành một khu tự trị.
Quan bí thư làm thái thú Hán Mông.

Nancy,6.2016
.

NGUỒN SỐNG
LẠC HỒNG

1.
Trăm con đồng bào Âu Cơ Lạc Long.
Năm mươi theo mẹ lên non làm đồng.
Năm mươi cùng cha xuống biển đánh cá.
Biển bạc, rừng vàng, kho thóc Á Đông.

2.
Cao nguyên Trường Sơn gánh hai cánh đồng.
Đồng bằng Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng.
Rực rở hoa màu văn minh lúa nước.
Đất mẹ Việt Nam xanh tươi núi sông.

Xóm lưới làng chài, sóng nước Biển Đông.
Nhịp chèo hò khoan hát theo cha ông.
Câu lộng câu khơi, lưới rùng lưới sẫm.
Lòng biển Thái Bình dạt dào mênh mông.

Sinh kế ngàn đời nghề biển nghề nông.
Nuôi dưỡng sức dân phát triển cộng đồng.
Già trẻ một lòng đánh giặc cứu nước.
Bảo tồn văn hoá truyền thống tổ tông.

3.
Nay, giặc Bắc phương ngăn sông đầu nguồn.
Tàn lụi rừng cây, hoang hóa ruộng vườn.
Thải chất độc ngầm ngư trường tiêu tán.
Ngư phủ nông phu khốn khổ đau thương.

Nancy, 6.2016
.

GIÀN KHOAN 981
TRƯỚC CƠN BÃO

Nghênh ngang Trung Quốc chuyển giàn khoan
về gần vụng biển đảo Hải Nam.
Vì chuyến thăm dò đã hoàn tất.
Vì  Rammansun thổi mạnh dần.

Việt Nam tuyên bố đã thành công
Giữ được chủ quyền không “viễn vông”
Vẫn tròn “bốn tốt” tình hữu nghị.
Vẫn ”Núi liền núi sông liền sông”

Nhưng vẫn còn nguyên cái Lưỡi Bò
Liếm trọn Biển Đông rất tự do.
Dù Nhật Phi Mỹ luôn phản đối.
Đáy biển lòng tham đâu dễ dò.

       Bình Dương,16/7/2014

.

NGHĨ VỀ
MỘT QUAN LỚN

1.
Thăng trầm cuộc sống theo qui luật.
Lừa mị, hại người, hủy môi trừơng.
Bao che tội ác nhóm lợi ích.
Dân mất niềm tin, ắt nhiễu nhương.

2.
Bí thư khống chế chức chủ tịch
Lãnh đạo chỉ đạo mọi chủ trương.
Công an nắm trọn quyền sinh sát.
Độc tài cai trị người dân thường.

Hòn ngọc Viễn Đông, Sài Gòn cũ.
Nhân quyền không có, khó phục hồi.
Tuy nay thành phố rộng và đẹp,
Đạo đức nhân văn đã suy đồi.

Hô hào “kiên quyết chống tội phạm”.
Sợ giặc Bắc phương, đàn áp dân,
Lừa mị tham nhũng, ai tội phạm ?
Thượng tầng bất thiện, hạ ác tăng!

3.
Các quan “người Bắc có lý luận”
Chắc gì vì đảng, luôn trung thành
Một khi Nhà nước bị lệ thuộc.
Vì lợi ích riêng, phải chấp hành.

         Nancy, 6.2016.

irene cafieri 3.

.

.

.

.

.
.
tranh của Irene Cafieri
.

NGÔI NHÀ TỔ PHỤ

1.
Ngôi nhà Việt Nam bao ngàn năm.
Trấn Bắc địa đầu ải Nam Quan.
Khởi tổ Hùng Vương dòng Lạc Việt.
Xây nền rường cột móng Văn Lang.

Đỉnh nóc Trường Sơn dài cao nguyên.
Mái sau rừng lá giáp Lào Miên.
Mái trước đồng bằng nối duyên hải.
Hiên trời, vách núi, dậu lâm tuyền.

Cửa chính mở ra Thái Bình Dương.
Môi trường sinh thái xanh muôn phương.
Rạn tảo sân chim quanh quần đảo.
Dạt dào sóng biếc ru ngư trường.

Bên thềm lục địa ven biển Đông.
Vũng sâu vịnh ẩn bến cảng sông.
Động cát bãi dương rừng phòng hộ.
Làng chài, xóm chợ, khu ruộng đồng.

Dưới mái quê hương, vựa lúa vàng.
Mỏ dầu, kim loại, quặng ti tan.
Muối hạt, trái cây, kho ngũ cốc.
Hương đồng thơm thảo hoa phong lan.

Chủ nhà, chín mươi triệu lương dân.
Đồng bào tộc Việt bờ cõi Nam.
Từ thuở tiền nhân đi mở nước.
Yêu chuộng nhân văn, trọng tinh thần.

2.
Giông tố từ xa bạt qua nhà.
Trường Sơn tróc nóc, sảnh rừng hư.
Vách núi tan hoang, thềm biển đục.
Tranh nhau hang động thú gầm gừ .

Hơn một ngàn năm lũ bắc phương.
Tràn lấn dậu bờ, xói chân tường.
Gần một trăm năm bão thuộc địa.
Sấm động hiên quê nứt đôi đường.

Gần ba thập niên nhà chia đôi.
Giữa bờ nam bắc, Bến Hải trôi.
Gió bấc bảy lăm thổi rạt mái.
Cọc trụ mác lê như chọc trời.

Ngôi nhà tổ phụ cỏ lạ cao.
Khi luồng gió chướng tạt sóng trào.
Bốn vách dìm trong bùn nước đỏ.
Mái cổ nền xưa đã hư hao.

Nancy, 7.2016.
.

KHUNG TRỜI CŨ

Nhớ một thời
nắng ấm gọi chim xa về ngụ trong vườn
khu vườn ngát hoa cau hoa bưởi
một góc trời quê hương.
nơi tiếng hát ngọt ngào cất lên từ thuở xa xôi
cất lên một lần và ru ta mãi
chảy suốt dòng đời.

Ôi, lời ca dao ngày ấy           
lời Mẹ ru lắng xuống ngàn năm
dù người xưa bỏ quên nỏ thần bên đền vương quốc
để tình ai tan theo vận nước duới chân thành Loa cổ
nước mắt thương đau trở thành châu ngọc
trong lòng giếng biếc xanh.

Lời Mẹ xưa lắng trong cõi người
như khúc hát bên trời Mê Linh
tiếng cười bên dòng Như Nguyệt
tiếng vó ngựa rung nhạc chiều Vạn Kiếp.

Dù có lần cuồng si chiếc gươm xưa ngôi báu cũ
ai sang sông cho tình chia cắt đôi bờ
Nguyễn Huệ đã về dưới bóng Cờ Đào
nếp áo thô sơ mùa xuân sớm đất Thăng Long
giữa tiếng hò reo khởi đi từ đồng ruộng
từ núi rừng quê hương vang vọng muôn đời .

Dù tháng năm dầu dãi nắng mưa
làng cũ cỏ cây vẫn nở hoa kết trái
như cô Tấm từ quả thị hồng quê ngoại
thắm tươi diệu kỳ lòng ta ngất ngây.

Xin đưa nhau về trẩy hội muôn dân
có sen hồng nở ngát phương Nam
có Hồ Gươm soi bóng mặt trời phương Bắc
có trống đồng đất tổ âm vang.

Xin đưa nhau về trẩy hội ngày mai
và nguyện lòng ta sẽ yêu quê hương mãi.

Hàm Tân, 1975
ĐOÀN THUẬN
.

Federico Infante Tutt'Art@

tranh của Federico Infante

.
từ tr.52
^^ về đầu chương ttp
<< về trang chủ

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54