lưu bút

.

TRẦN DUY LÝ
.

Đoàn Thuận – Thơ
_____________________
TRẦN DUY Lý

Có thể nói người nuôi dưỡng một hồn thơ không hề nhạt phai là Đoàn Thuận. Tôi nhẩm tính anh có tới 15 tập thơ được các NXB trong nước xuất bản. Ngoài ra, anh còn gần 10 tập thơ được xử lý bằng vi tính theo cách nói của anh là lưu hành trong thân hữu.

Nói là “lưu hành trong thân hữu” có lẽ vì anh không có tiền để in, chứ thực ra nếu anh gởi tới NXB thì chắc chắn các NXB cũng không từ chối cấp giấy phép vì chất lượng thơ đâu có non yếu, chưa nói về cách trình bày cũng như các ký họa của chính tác giả khá sinh động và rất bắt mắt.

Có thể nói cả đời nhà thơ Đoàn Thuận gắn với hai công việc cụ thể nhất là dạy học và làm thơ.

Thơ của anh thật đa dạng, nào là đường thi, nào là lục bát, rồi lục bát tam cú, lục bát tứ tuyệt, lục bát trường thiên, có cả thơ hai ku, một thể thơ anh khá nhuần nhuyễn. Ngoài ra, anh còn dịch thơ, mà dịch thơ cũng là một kiểu sáng tác. Nói đến giọng thơ thì dù đó là thơ trữ tình, truyện thơ hay thơ trào phúng, người đọc tinh tường dễ nhận ra chất giọng của Đoàn Thuận.

Nói chung, bút pháp đa dạng của Đoàn Thuận khẳng định một điều rõ ràng, ngoài học vấn, Đoàn Thuận là một nhà thơ của sự thâm trầm, giàu suy nghĩ:

Nơi tôi ngồi chiều trôi rất chậm
viên sỏi nằm lạnh buốt giấc mơ rêu
một con ốc bò ngang viên gạch vỡ
vẽ dấu chân vào vạch tối quạnh hiu…
(Viên sỏi con ốc và tôi)
***

Tập thơ mới nhất của Đoàn Thuận gởi tặng tôi là tập thơ Sài Gòn và tôi. Cũng cần nói thêm cuộc đời của anh gắn với hai nơi, một là quê hương La Gi, Bình Thuận và một nửa là Sài Gòn.

Nếu thuở sinh viên học Đại học sư phạm Sài Gòn vốn đã có nhiều kỷ niệm ghi vào ký ức, thì những năm tháng làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ ở thị xã La Gi cũng thấm vào anh những kỷ niệm khó quên.
Tập thơ Sài Gòn và tôi của anh được viết từ ngày anh nghỉ hưu về sống với con cái ở Sài Gòn. Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước lúc anh mới ngoài 20 tuổi và Sài Gòn của hôm nay khi anh đã vào tuổi 75 đổi thay nhiều lắm:

…hai năm về chưa lần vào khu đô hội
trước phố sang ta như thổ dân
một giáo già quê kệch bâng khuâng ngại ngần
chừng như căn hộ xưa đổi chủ…
(Về phố)

Tập thơ Sài Gòn và tôi có đến gần 100 bài thơ nhưng cũng chỉ gần trăm trang làm nên một cuốn sách thơ khá đẹp ở màu sắc và lối trình bày. Quan trọng hơn, chứa chất trong đó là những dòng ký ức của quá khứ mà anh ghi đậm ở các tiêu đề như: Sài Gòn những năm 60, Hẻm phố và tôi, rồi thì Ngõ đời, Miền phượng xưa, Về chốn cũ, Đêm phố cũ, Con đường bỏ quên, Về phố mới.

Đoàn Thuận có hai miền đất để nhớ. Hiện tại đang sống ở Sài Gòn, nhưng miền đất sinh ra anh là thị xã La Gi, vì vậy mà anh có bài thơ Ở Thủ Đức nhớ La Gi:

…Về hưu tá túc nhà con
một miền Thủ Đức đất còn lại xưa
hai mùa đắp đổi nắng mưa
nắng đầy tháng hạ, mưa lùa thu sang
cuối đông nắng sớm hanh vàng
gió xuân đưa áng mây hàng bay xa
cho vườn mai điểm hoàng hoa
cho ta thêm nhớ quê nhà La Gi…
Có cuộc sống nội tâm phong phú, có vốn sống giàu có lại thêm biết cách nuôi dưỡng hồn thơ, tôi tin rằng nhà thơ Đoàn Thuận mãi mãi làm thơ vì thơ chính là nơi ta gởi gắm tâm trạng được nhiều nhất.

TRẦN DUY LÝ

saigon va toi 1

MÁI XƯA
MỘT TẬP THƠ VIẾT VỀ QUÊ HƯƠNG LA GI
CỦA NHÀ THƠ ĐOÀN THUẬN
____________________________________
Trần Duy Lý

Phải yêu lắm La Gi, nhà thơ Đoàn Thuận mới có tập thơ dành riêng cho thị xã này dài gần trăm trang. Cầm tập thơ trên tay tôi cứ ngẫm nghĩ, trên thi đàn của ta chưa hề có nhà thơ nào làm được như thế. Vì muốn làm được như thế không chỉ phải gắn bó với nó từ lúc lọt lòng cho đến cuối đời mà còn phải “máu thịt” với nó để không cạn cảm xúc, để không mòn suy nghĩ, nghĩa là phải yêu tha thiết La Gi, coi La Gi là máu thịt, là hơi thở của chính mình.

Để có được tập thơ hấp dẫn, đầy đăn như thế, tập sách thơ của anh có một bố cục hợp lý:

– La Gi quê nhà
– La Gi ngàn xanh
– Sông quê hương
– Đồi quê hương
– Mưa quê hương
– Chiều quê hương
– Biển quê hương
– Đất quê hương
– Mái xưa

Phần Mái Xưa ở cuối tập sách nhưng nó là tên cho cả tập thơ. Mái xưa chính là ngôi nhà của anh. Ở đó có mẹ, có thầy, có cả vợ con của anh. Yêu La Gi trước hết anh yêu mái nhà xưa của anh … ”ôi ngôi nhà của Mẹ ta xưa/ mái lá đơn sơ nhưng ấm tình non nước” .

Ở phần Mái Xưa anh có 4 câu thơ làm tựa thật đắc ý:

“Nửa đời bỏ ruộng đi theo sách
Nhớ điếng nhà xưa dáng Mẹ gầy
Tô canh bồ ngót cơm lúa mới
Khói bếp đêm hè vướng mắt cay”.

Rõ ràng nhà thơ Đoàn Thuận đã không phụ công đèn sách nên đã xuất bản được mười đầu sách thơ, trong đó có cuốn thơ dịch Đường thi khá công phu vì Đoàn Thuận đã rất kỹ lưỡng đi qua các bước bắt đầu là chuyển Hán tự sang âm Việt Hán, sau đó dịch chọn nghĩa của từ trên mỗi dòng sang văn xuôi, cuối cùng mới dịch sang âm vận lục bát. Hy vọng tôi sẽ viết chi tiết về cuốn thơ dịch này ở một bài khác. Bây giờ xin trở lại với tập thơ Mái Xưa

Ở phần La Gi quê nhà nhà thơ có bài thơ dài mang tính truyện kể về huyền thoại Hòn Bà – Núi Ông. Đó là một mối tình đẹp về sự chung thuỷ… “nếu đã có tình cao như núi/ cũng có tình sóng vỗ bạc đầu”. Huyền thoại về Núi Ông – Hòn Bà được nhà thơ biến thành hiện thực sống động:

“Đêm cổ tích không còn cổ tích
Khối tình Bà thành đảo Thiên Y
Nỗi nhớ Ông đã cao thành núi
Dòng sông Dinh mạch nối nguồn về”.

Tương tự như ở phần La Gi quê nhà, phần La Gi ngàn xanh cũng là một bài thơ dài về Đất và Người La Gi. Hình thức truyện kể trong một bài thơ dài được anh vận dụng nhưng không vì thế mà mất đi chất thơ nhờ ở ngôn ngữ và hình tượng có thể khái quát ở phần La Gi ngàn xanh ở khổ thơ:

“… Nơi cư trú tâm hồn cao quý
Những người con tận hiếu tận trung
Những Mẹ hiền tảo tần khuya sớm
Những mối tình bền vững thuỷ chung…”

Mái Xưa một tập thơ dày gần trăm trang chỉ viết về La Gi, mảnh đất mà nhà thơ đã được sinh ra và lớn lên, hơn thế lại được làm thầy giáo, rồi làm Hiệu trưởng, đào tạo rất nhiều các thế hệ học trò đã tạo cho anh một tình yêu bền chặt. Mọi cảm xúc, mọi nỗi niềm đều được hình thành từ thị xã La Gi nhưng để có một tập thơ gần cả trăm trang thật không đơn giản nếu thiếu đi những điều tâm huyết với chính quê hương của mình và cả với thơ.

Hãy khoan đọc những bài thơ cụ thể, chỉ cần lướt qua bố cục của cả tập thơ ta thấy nhà thơ đã trãi lòng mình không chỉ với những con sông quê hương, đồi quê hương mà cả với cỏ cây, hoa lá qua từng tháng, từng mùa làm nên một bức tranh thơ sống động. đó là “tháng giêng về biển La Gi”, “tháng hai về Động Tân Lý”, “tháng ba về hồ núi Đất”, “tháng tư về Ngãnh Tam Tân”… cứ như thế, không một xóm nhỏ nào, không một vùng đất nào của cái thị xã La Gi mà anh không đến, mà anh không để lại những câu thơ xúc động ở tất cả những tháng trong năm. Rất tiếc do khuôn khổ bài viết có hạn không thể trích giới thiệu để bạn đọc rộng rãi được biết, tôi chỉ xin trích một khổ thơ trong bài “Cuối Chạp về núi May Tào”:

“… Tàn đông cây cỏ thanh tân
Cuối năm về nghỉ dưới chân một ngày
Dốc dài cát bụi còn bay
Một đời ta ngỡ như đầy chiêm bao…”

Không thể nào nói khác được, chỉ có tâm huyết với quê hương, tâm huyết với thơ thì nhà thơ Đoàn Thuận mới có tập thơ Mái Xưa dài gần trăm trang với đầy đủ các thể thơ tuỳ theo nhịp cảm của con tim. Quả là anh không những không phụ công đèn sách mà đã làm ra những sách thơ để người yêu thơ được đọc.

Kết thúc bài viết này tôi muốn giới thiệu bài La Gi trong tôi của anh. Bài thơ này không thấy anh đề năm tháng nhưng tôi đoán, có lẽ anh viết lúc đực nghỉ hưu và về thành phố Hồ Chí Minh để sống gần con:

Đi đâu ta vẫn nhớ làng
Mênh mông biển nắng những hàng dương xanh
Êm đềm trăng nước long lanh
Sóng Dinh thuyền đậu bến thanh bình chiều
Hương rừng mây núi phong phiêu
Mùa ru tiếng sóng bao nhiêu tháng ngày
Ta đi nhớ dáng Mẹ gầy
Ta về, nghe gió biển đầy tuổi thơ
Đâu rồi, một thuở mộng mơ
Hái hoa bắt bướm mầy bờ lau thưa
Bầy trâu thả láng bao mùa
Đã thành tích cổ ăn mưa cuối trời
Tiếng chim rừng vắng chơi vơi
Ru hoa sim tím buồn rơi trong chiều
Bóng hình xưa đã tịch liêu
Trong ta lặng lẽ bao điều xưa sau.

TRẦN DUY LÝ


.

________________________________
^^ về đầu chương Lưu Bút
<< về trang chủ

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.